Bà Trương Mỹ Lan,ềnlựctuyệtđốicủabàTrươngMỹLantronghệthốngngânhàtúi giấy Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03), đề nghị truy tố về ba tội:Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng vàĐưa hối lộ.
Trong 86 bị can của vụ án, 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB đối mặt cáo buộc: Tham ô tài sản,Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng hoặcThiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
>>Danh sách 86 bị can
Trước năm 2011, bà Trương Mỹ Lan sở hữu phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Muốn sáp nhập hai nhà băng này với Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, bà Lan phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần để thâu tóm quyền lực.
Kết luận điều tra nêu, thực hiện tham vọng này, bà Lan rải người thu gom 80-98% cổ phần của ba ngân hàng. Tháng 1/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời trên cơ sở hợp nhất.
Vì Ngân hàng Nhà nước quy định một cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% cổ phần của một ngân hàng, bà Lan chỉ đứng tên hơn 4%, 80% còn lại nhờ 74 người khác. Đến năm 2018, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân, cá nhân.
Tính đến tháng 10/2022, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Vốn điều lệ thời điểm này là 15.000 tỷ đồng với hơn 4.100 cổ đông.
Cách chọn người điều hành SCB
Theo lời khai của nhiều bị can là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc SCB, bà Lan không giữ vai trò quản lý song có quyền lực cao nhất trong sắp xếp nhân sự cấp cao cũng như chủ trương điều hành cùng hoạt động cho vay, huy động vốn... Các chức vụ chủ chốt ở SCB như Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát đều do bà Lan "trực tiếp tuyển dụng từ đàn em thân tín", trả lương 200-500 triệu đồng.
Trong thời kỳ đầu tiên, bà Lan bổ nhiệm bị can Tạ Chiêu Chung làm thành viên HĐQT SCB với nhiệm vụ quản lý, điều hành việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông; đảm bảo việc nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần đúng tỷ lệ Ngân hàng Nhà nước quy định.
Theo yêu cầu của chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người đứng tên cổ phần phải có quan hệ thân quen và đều được trả tiền công. Ai chuyển nơi cư trú hoặc bệnh nặng phải tìm ngay người thay thế để tránh rắc rối.
Với các nhân sự cấp cao, bà Lan tuyển bị can Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành (cùng đang bị truy nã), Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB trong nhiều giai đoạn. Trong số này, ông Dũng trưởng thành từ SCB, trải qua các chức vụ như trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc.
Theo cơ quan công an, ông Dũng được chọn giữ chức cao nhất ở SCB bởi bà Lan thấy "hiền lành, không quậy phá, được lòng nhiều người".
Bà Lan không thừa nhận cổ phần của 5 pháp nhân Nhật Bản, Singapore sở hữu trực tiếp tại SCB nhưng C03 cho rằng có đủ cơ sở kết luận bà "chi phối toàn bộ quyền cổ đông" của các pháp nhân nước ngoài này. Trong các kỳ đại hội cổ đông, bà Lan giao cho cấp dưới làm ủy quyền từ pháp nhân nước ngoài cho người thân tín ở Vạn Thịnh Phát biểu quyết thay.
Kết luận điều tra nêu, những người nước ngoài trực tiếp, gián tiếp sở hữu cổ phần lớn ở SCB nhưng bà Lan khai thông tin về họ rất mơ hồ. Bà Lan khai chỉ nhớ tên họ là Simons, Thomas, Kent hay một cái tên bất kỳ nào khác, quốc tịch lại không rõ ràng. Thậm chí có người đầu tư vào 5 pháp nhân nước ngoài sở hữu cổ phần ở SCB bà Lan cũng không nhớ tên tuổi, thông tin liên lạc, địa chỉ.
Với việc cấp tín dụng cho khách hàng, bà Lan chỉ đạo phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc thực hiện. Với chức danh chủ tịch HĐQT, bà Lan chỉ giao cho làm công việc liên quan nhân sự, tổ chức bộ máy. Khi ngân hàng khó khăn về tài chính, lãnh đạo SCB sẽ thông báo ngay để bà tìm phương án xử lý.
Thông thường, bà Lan sẽ mượn tài sản của bạn bè hoặc dùng tài sản của mình để làm tài sản bảo đảm, dùng khoản vay sau xử lý khoản vay trước. Từ chiến lược do bà Lan vạch ra, các lãnh đạo SCB sẽ triển khai.
Công an: Rút tiền bất chấp quy định
Bị can Bùi Anh Dũng khai giai đoạn làm Chủ tịch HĐQT SCB được bà Lan giao nhiệm vụ ký hợp thức nghị quyết phê duyệt khoản vay của các pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Song trên thực tế, ông chỉ là người "ký hợp thức hồ sơ" sau khi khoản vay đã được giải ngân.
Trên hệ thống, các khoản vay này được ghi chú ký hiệu "HSTT" - tức Hội sở tiếp thị. Nghĩa là không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn. Thông thường, các khoản vay này sẽ duyệt ngay khi chưa hoàn thiện hồ sơ, trái với quy định cho vay thông thường, kết luận điều tra nêu.
Nhóm bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên SCB khai đều biết các khoản vay của cá nhân bà Lan là trái quy định pháp luật. Mỗi khi cần huy động tiền, bà Lan sẽ tổ chức cuộc họp ở tòa nhà Times Square chứ không phải trụ sở SCB. Tại đây, nữ chủ tịch thông báo cần bao nhiêu tiền, dùng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để lãnh đạo SCB chia nhau thực hiện.
Bị quy kết là một trong những cánh tay đắc lực của bà Lan, cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn khai các khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát chiếm phần lớn số tiền mà SCB cho vay. Cần tiền chi tiêu cá nhân, bà Lan sẽ gọi điện thoại cho ông Văn trao đổi về chủ trương để SCB giải ngân, bỏ qua quy định cho vay thông thường.
Khi bị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM giám sát, ông Văn làm theo chỉ đạo của bà Lan để thành lập ba đơn vị cho vay mới tại hội sở để phục vụ riêng nữ chủ tịch. Điểm khác biệt của các đơn vị này là thuộc quản lý của hội sở, không có con dấu riêng mà dùng dấu của đơn vị khác, không có bộ phận kho quỹ riêng.
Điểm chung của các khoản vay bà Lan đưa ra là "số tiền vay rất lớn", từ vài chục tỷ đồng trở lên, chênh lệch "đặc biệt lớn" với các khoản vay thông thường; giải ngân trước hợp thức hồ sơ sau; tài sản đảm bảo giống nhau...
Một phần tiền rút từ SCB, Vạn Thịnh Phát đầu tư và sở hữu các dự án bất động sản, như khu dân cư Bonville diện tích hơn 56.000 m2 ở khu đô thị mới Nam thành phố, huyện Bình Chánh; khu dân cư Sterling Residence rộng hơn 264.000 m2 thuộc khu Đô thị mới Nam thành phố, huyện Bình Chánh; khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Nhuận, quận 7 với quy mô 1.177.000 m2...
Chồng bà Trương Mỹ Lan khai 'làm theo chỉ đạo của vợ'
Bị can Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, người Hong Kong) là chồng bà Lan, giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Times Saquare Việt Nam. Ông Cơ cùng bà Lan điều hành công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Saquare ở 22-36 Nguyễn huệ và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM với chức năng là khu liên hiệp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại.
Ông Cơ khai đồng ý để vợ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, huy động vốn, vay vốn của SCB. Sau đó ông thống nhất cùng vợ dùng tài sản hình thành trong tương lai là dự án này để bảo đảm cho các khoản vay. Tiền vay SCB dùng để đầu tư dự án Times Saquare và cho bà Lan chi tiêu cá nhân.
Đến năm 2017, các khoản nợ đến hạn nên ông Cơ ký biên bản họp đại hội cổ đông để đảm bảo với dư nợ 35.500 tỷ đồng theo chính sách "khách hàng khống" của SCB. Ông Cơ khai ký các thủ tục bảo lãnh khoản vay "theo chỉ đạo của vợ", không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, những việc làm trên đã gây thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng cho SCB.
Từ 2012 đến 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. C03 xác định, nhóm bà Lan chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Tổng dư nợ cho vay bất động sản SCB hồi tháng 6/2017 là 62,95% trong khi SCB báo cáo là 55%, bằng đúng tỷ lệ cao nhất Ngân hàng Nhà nước cho phép. Thời điểm này thực trạng tài chính của SCB là "rất xấu" nhưng lãnh đạo ngân hàng đã báo cáo không trung thực, mua chuộc đoàn thanh tra để "xoá mờ sai phạm". Mục đích là tiếp tục được huy động tiền gửi của người dân, doanh nghiệp và hoạt động cho vay. Đây chính là mấu chốt khiến sai phạm của bà Lan và đồng phạm ngày một lớn, kết luận điều tra nêu.
Cơ quan điều tra cáo buộc hành vi của nhóm bà Lan là nguyên nhân chính khiến SCB mất thanh khoản, dư nợ tín dụng lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm hơn 443.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 464.000 tỷ đồng.
Tính đến tháng 10/2022, tổng số tiền SCB huy động của người dân và tổ chức là 673.000 tỷ đồng, trong đó 511.000 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, 76.800 tỷ phát hành giấy tờ có giá, 66.000 tỷ vay của Ngân hàng Nhà nước, 12.600 tỷ tiền gửi của các tổ chức tín dụng, 6.700 tỷ vay của các tổ chức tín dụng khác.
Cơ quan điều tra cáo buộc từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.